Sau khi bài viết “Khiếp đảm những chiêu chặt chém khét tiếng ở Sầm Sơn
” của PV Nhị Anh kể về nạn “chặt chém” như: “Chụp 10 kiểu ảnh, tính tiền 200.000 đồng; Hát Karaoke giá 200.000 đồng/giờ, đến khi thanh toán thì hóa đơn ghi 2 triệu đồng…”. Sau cùng tác giả kêu gọi mọi người đồng loạt lên án Sầm Sơn, tẩy chay, không đến tham quan, du lịch ở đây nữa. Sự thật thế nào?
Bài viết này đã nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, tạo nên một hiệu ứng đám đông. Đa phần mọi người đều tỏ ra bức xúc và thậm chí thề sẽ không bao giờ chọn Sầm Sơn là địa điểm du lịch, nghỉ mát, thậm chí có những người dù chưa một lần đặt chân đến đây nhưng nghe xong cũng sợ khiếp vía. Trước thông tin trên đích thân Chủ tịch thị xã Sầm Sơn Trịnh Huy Triều đã gặp và trao đổi với đại diện báo VietNamNet và phía báo cũng đã đồng ý sẽ cử phóng viên xuống tận nơi để tìm hiểu về thực tế du lịch năm 2013 của Sầm Sơn.
Du khách tắm biển tại bãi biển Sầm Sơn.
Tôi không phủ nhận rằng những điều trong bài báo viết là vô căn cứ nhưng rõ ràng ở bất cứ đâu cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh” chỉ vì vụ lợi cá nhân và làm ảnh hưởng đến uy tín chất lượng du lịch của toàn thị xã. Nhưng không phải tất cả đều xấu, tác giả chí ít cũng không nên chụp mũ hết như vậy. Và một điều cũng khiến tôi không khỏi băn khoăn là không biết khi viết bài này tác giả có từng một lần đặt chân tới Sầm Sơn để trải nghiệm thực tế hay chỉ nghe qua lời kể của người khác?, vì trong bài viết có cả những câu chuyện từ rất nhiều năm về trước. Thực tế, trong một vài năm trở lại đây chính quyền và người dân nơi đây cũng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể như: niêm yết giá, thành lập đường dây nóng về xử lý vi phạm… để cải thiện hình ảnh và chất lượng dịch vụ ở Sầm Sơn.
Những tấm biển này được cắm ngay trên các bãi biển, du khách nào cũng có thể liên hệ qua đường dây nóng nếu phát hiện có hành vi vi phạm.
Vài ngày trước tôi có tới Sầm Sơn công tác và cũng sử dụng một số dịch vụ giải trí ở đây. Khi cùng các nhân viên đi hát karaoke sau giờ làm việc, tôi rất bất ngờ trước thái độ phục vụ thân thiện của nhân viên ở đây, với giá tương đối mềm là 60.000 đồng/giờ. Cẩn thận hơn khi lên taxi ra về tôi và đồng nghiệp hỏi chuyện tài xế: “có vẻ như giá cả ở đây rẻ hơn một số nơi khác mà chúng tôi đã từng đến và người dân cũng rất thân thiện”. Không giống như những lời đồn đại rằng phải cẩn thận vì Sầm Sơn là nơi ‘chặt chém’?. Anh tài xế còn cười và nói: “Bạn anh nói cũng đúng, nhưng chưa đủ, điển hình như các quán nhậu, karaoke giá cả ở đây thật sự phải nói là rẻ hơn các nơi khác, nhưng phí sẽ tăng cao nếu… có sử dụng các dịch vụ khác cộng thêm” (vì công việc của tôi là marketing nên cũng hiểu rõ “dịch vụ cộng thêm”). Khi đi ngang qua bãi biển anh tài xế không quên nhắc cho chúng tôi nhìn bảng niêm yết giá cả ngoài biển và nói: “giá cả ngoài biển thì nó tuy hơi đắt hơn chút, vì chi phí đó còn phải chi trả cho việc vệ sinh, tiền thuê mặt bằng, nhân viên… nếu các anh bị chặt chém bất cứ hình thức nào chỉ cần gọi vào số điện thoại nóng được ghi trên bảng đó”… vừa nói anh vừa chỉ tay vào bảng niêm yết giá kiốt.
Ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn.
Thiết nghĩ, với trách nhiệm một người làm báo, nắm trong tay thứ quyền lực vô hình có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người, vậy trước khi đặt bút viết gì cũng nên cân nhắc, tối thiểu cũng phải kiểm chứng thông tin thực tế một cách đa chiều và khách quan nhất. Chứ không thể viết xong gây xáo trộn dư luận rồi mới cho người xuống kiểm chứng nguồn tin. Một bài viết tưởng chừng rất nhỏ nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch của một thị xã, đến cuộc sống và con người nơi đây.
Mai Thanh