Ca dao thương mẹ
Ba bị tai nạn mất khi mẹ chưa bước vào tuổi bốn mươi. Mẹ ở vậy nuôi con.
Con lêu lổng chơi bời, mẹ khóc.
Con ngoan, học giỏi... Mẹ cũng khóc khi đốt nhang cho ba.
Hồi đó, con đâu hiểu sao ít thấy mẹ cười.
Lớn lên, nghe câu hát "... Mẹ đi lấy chồng con ở với ai..." Con lại khóc vì thương mẹ.
Mẹ và con
Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp
ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến
bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn
lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu.
Chả giống ai! Mẹ cười.
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng nặng tai. Lần
lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi
phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.
Ăn cơm
Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.
Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.
Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng :
- Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!
Đến đây, cái bao tử thúc giục, Tèo tham chiến :
- Con không thèm ăn thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!
Nhớ mẹ
Dưới quê học hành khó khăn nên mới lớp 2, thằng Út đã được gởi lên thành phố ở với chị Hai.
Lâu lắm mẹ mới ra thăm. Lần nào chị Hai cũng nhằn vì mẹ cứ nhai trầu bỏm
bẻm suốt ngày, lại vứt bã trầu lung tung. Lần nào cũng vậy.
Đưa mẹ ra bến xe về quê xong, chị Hai về thấy nhà vắng ngắt. Tìm mãi mới
thấy thằng Út đứng khóc sau kẹt cửa, tay cầm mấy cái bã trầu khô.
Euro
Euro lần trước nhằm lúc má đang bệnh.
Nhà
có mỗi cái ti vi là đáng giá, ba đem cầm để thuốc thang cho má. Hễ đến
giờ trực tiếp, ba vừa lo canh thuốc vừa lắng nghe tiếng bình luận câu
được câu mất ở ti vi nhà hàng xóm.
Nhưng một năm sau, ba lại ra đi trước má.
Euro lần này, tuy không hiểu thế nào là bóng đá nhưng đêm nào cũng vậy, đến giờ má lại thức mở ti vi và ngồi khóc một mình.
Nỗi niềm (Kim Thuý)
Cái điệp khúc ấy má tôi nhắc hoài mỗi khi soạn tủ:
-Ba con không thích má cho ai quần áo cũ. Ổng nói: "Thà cho họ một số
tiền, anh không thích hương áo em lại đưa cho người khác mặc."
Giờ, hương xưa còn giữ lại, người xưa đã đi xa...
Chiều nay, má đẩy sang tôi mớ quần áo cũ. Tôi chọn một bộ cho chị bán
cơm ở vỉa hè, để rồi sau đó bao lần phải ngoảnh mặt đi mỗi khi thấy chị
ấy tất tả ngược xuôi trên hè phố trong thấp thoáng bóng dáng của má tôi.
Tính Cách
Mẹ
tôi buôn bán, chai lỳ trước cái cân cơm áo nhưng mẫn cảm trong nghệ
thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải
lương, bà đều hồn nhiên "ăn theo" một cách ngon lành. Có lần, cha tôi
giỡn:
- Coi chừng trôi ti vi....
- Còn sách ông chưa viết ra đã hóa đá - Mẹ tôi trả miếng - Thế cũng mang danh nhà này, nhà nọ.
Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi chạy vụt ra đường chận đường con bé bán trứng vịt lộn.
- Mày biến đâu tài thế. Hì! có chui xuống đất rồi cũng gặp tao - Bà vừa nói vừa giằng mủng trứng, đếm lấy trừ nợ.
- Dì ơi, cho con khất, mẹ con còn ốm!
- Nhà này cũng đang ốm đây - Mẹ tôi cười bù - Khỏi bẻm mép.
Con bé chưng hửng, lã chã nước mắt nhìn cải mủng không, rồi bưng lên, xiêu vẹo bước đi....
Cha tôi cám cảnh, quay mặt, rút mùi soa chấm mắt.
Lâu sau, ti vi phát vở kịch "Cô bé nghèo bán trứng bị xiết nợ". Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.
Mùa thi
Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:
- Con làm bài tốt không?
Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:
- Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được.
Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi:
- Ba con có đến không?
Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:
- Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu.
Giỗ ông (Lê Nguyên Vũ)
Sớm
mồ côi, từ nhỏ anh em nó sống cùng nội trên rẻo đất còm của người chú.
Năm ngoái, sau trận bão lớn ông nó quy tiên. Chú lấy lại căn chòi,
khuyên:
- Mười bốn, lớn rồi, nên tự lập.
Anh em nó dắt díu nhau tha hương, lên thành phố sống ở dưới gầm cầu.
Trưa, phụ hồ về mệt, đói, giở nồi cơm, nhão như cháo, nó mắng:
- Đồ hư.
Con em mếu máo:
- Em nấu để giỗ ông.
Nó ngẩn người, chợt nhớ hôm nay tròn năm, ngày ông mất. Hồi ở quê, thường ngày ông thích cơm nhão. Thế mà...
Ôm em vào lòng nó gọi trong nước mắt:
- Ông ơi!
Con gái
Ngoại hấp hối, cà nhà dắt díu nhau về quê thăm ngoại. Ngoại mất. Từ thành phố, anh Ba đang dở mùa thi cũng vội về chịu tang.
Chị Hai lấy chồng quê ngoại, nhà cách có vài quãng đồng mà lại không về được. Bố chép miệng xót xa:
- Con gái là con người ta.
Mẹ gục đầu nức nở. Hơn hai mươi năm theo chồng xa xứ, đây mới là lần đầu tiên mẹ được về với ngoại. Mẹ cũng là con gái…
Lòng mẹ
Nhà
nghèo, chạy vạy mãi mới được suất hợp tác lao động, Thanh coi đó như
cách duy nhất để giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan, xứ người
chẳng phải thiên đường, Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm
từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ
có trong mơ.
Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.
Đêm. Chỉ còn mẹ. Hết nắn tay nắn chân Thanh rồi mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe mẹ nói:
- Dối mẹ làm gì. Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!