Loại virus có khả năng chiếm quyền điều khiển và tự động đổi mật khẩu Facebook đang phát tán rất nhanh trên mạng xã hội này. Chiêu lừa thường thấy là trên tường Facebook bỗng xuất hiện đường link kèm thông điệp gây tò mò. Một số diễn đàn công nghệ trong nước gần đây nhận được nhiều thắc mắc về đường link lạ xuất hiện trên tường Facebook của các thành viên. Nhiều người tò mò click vào lập tức bị nhiễm virus, thậm chí, một số sau đó không thể truy cập được vào tài khoản Facebook của họ.
"Kêu cứu" của một thành viên trên diễn đàn.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Bkav cho biết, trường hợp trên, người dùng đã mắc phải loại virus W32.Facesy.Trojan có khả năng “cướp” tài khoản Facebook. Loại virus này thường hiển thị trên tường của Facebook đường link kèm thông điệp gây sốc. Chẳng hạn, các đường link kèm với thông điệp liên quan đến ca sĩ Psy người Hàn Quốc nổi tiếng với Gangnam Style. Nếu tò mò, người dùng bấm vào đường link này sẽ bị dẫn đến một website có video clip giả mạo. Để xem được video, người dùng được đề nghị tải “plugin” (mô-đun mở rộng có tác dụng gia tăng chức năng cho trình duyệt). Ngay khi cài “plugin”, lập tức máy tính sẽ bị nhiễm virus (đồng nghĩa với việc virus chiếm được quyền điều khiển và tự động đổi mật khẩu Facebook). Hiện tượng người dùng thường thấy là trình duyệt bị treo trong vài phút, sau đó, việc đăng nhập vào Facebook không thể thực hiện được vì lúc này, virus đã cướp tài khoản Facebook của nạn nhân.
Các clip giả mạo thường đi kèm thông điệp gây tò mò để dụ người dùng bấm vào.
Virus W32.Facesy.Trojan có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nó tung hoành từ cuối tháng 2 và gây hoang mang cho nhiều người dùng Facebook ở nước ngoài. Cho đến nay, cơ quan an ninh mạng chưa xác định được chính xác số máy tính bị nhiễm virus này tại Việt Nam, tuy nhiên, khả năng phát tán theo cấp số nhân của nó (mỗi tài khoản bị chiếm đoạt lại tự động phát tán đường link lên tường của các bạn bè) rất đáng lo ngại. Ngoài ra, người dùng Facebook cũng nên thận trọng bởi kẻ xấu có thể sử dụng chính tài khoản Facebook vừa chiếm được để phát tán virus cũng như lừa đảo bạn bè của chủ nhân trang Facebook đó. Cách đây không lâu, trang Switched đưa tin một phụ nữ Mỹ tên Jayne Scherrman đã bị mất 4.000 USD vì tin vào một tin nhắn từ tài khoản Facebook của một người bạn đã bị hack trước đó.Lời khuyên muôn thuở cho người dùng Internet là nên thận trọng với những đường link lạ. “Thông thường khi dùng Facebook, người dùng không phải cài thêm plugin để xem video. Do đó, gặp những đề nghị kiểu như vậy bạn có thể nghĩ đến khả năng mình đang bị lừa và không nên làm theo”, ông Sơn khuyến cáo.Nguy cơ lây truyền virus trên mạng xã hội đã được các hãng bảo mật cảnh báo từ cuối năm 2011 vì khả năng kết nối rộng lớn, nhất là với những mạng xã hội có đông người dùng như Facebook. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo người dùng mạng xã hội này nên thận trọng vì Facebook luôn là miếng mồi hấp dẫn của tin tặc. Với người hay sử dụng mạng xã hội (cả trên máy tính và điện thoại), tốt nhất nên cài phần mềm an ninh bảo mật để nếu lỡ tải nhầm “plugin” giả mạo hay những phần mềm độc hại khác, phần mềm có thể tự động ngăn chặn.